5/5 - (2 bình chọn)

Gù lưng là một tình trạng không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Nguyên nhân của tình trạng này có thể xuất phát từ thói quen xấu trong sinh hoạt, công việc, hoặc các vấn đề về cấu trúc xương. Hiểu rõ về nguyên nhân, nhận thức được sự ảnh hưởng và áp dụng các biện pháp phòng ngừa đúng cách là bước đầu tiên để bảo vệ sức khỏe cột sống của chúng ta.

Gù lưng là gì?

Gù lưng, hay gù cột sống (tên tiếng Anh là Kyphosis), là tình trạng cột sống bị cong quá mức về phía trước, gây biến dạng phần lưng trên. Tình trạng này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Ở người già, gù thường xuất hiện do chất lượng xương giảm, gây lún xẹp đốt sống. Trong khi đó, nguyên nhân chính ở trẻ sơ sinh hoặc thanh thiếu niên thường xuất phát từ dị tật hoặc khớp xương của cột sống bị chèn ép theo thời gian.

gu-lung-1

Gù lưng là tình trạng cột sống bị cong quá mức về phía trước

Đa phần các trường hợp bị gù lưng nhẹ thường gây ra một số vấn đề không đáng kể, không cần thiết phải điều trị. Người bệnh chỉ cần đeo nẹp hoặc tập luyện để tăng cường sức mạnh cột sống cũng như cải thiện tư thế. Tuy nhiên, tình trạng nghiêm trọng sẽ gây biến dạng cấu trúc, đau đớn, thậm chí ảnh hưởng đến hô hấp. Tùy vào từng mức độ, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phẫu thuật để điều chỉnh kịp thời.

Phân loại gù lưng

Gù cột sống được phân loại thành 3 loại như sau:

1. Gù tư thế

Đây là gù lưng ngực với đường cong lớn hơn 50 độ trong khi các đốt sống có hình dạng bình thường, xuất hiện phổ biến ở trong giai đoạn niên thiếu. Dấu hiệu điển hình là đầu cúi về phía trước, tư thế xấu nhưng không liên quan đến bất thường nghiêm trọng trong cấu trúc cột sống. Người bệnh hoàn toàn có thể tự điều chỉnh bằng cách tập đứng thẳng.

Gù tư thế phổ biến ở nữ giới hơn là nam giới, hiếm khi gây tình trạng đau đớn do đường cong không tiến triển trầm trọng theo thời gian. Tình trạng này có thể cải thiện hiệu quả bằng cách thực hiện các bài tập gù lưng phù hợp.

2. Bệnh gù cột sống Scheuermann

Đây là tình trạng các đốt sống đã phát triển trở thành hình chêm, xảy ra ở 0,4% dân số, tỷ lệ nam nữ là như nhau. Gù cột sống Scheuermann cũng có xu hướng trở nên rõ ràng trong độ tuổi thiếu niên, có nguy cơ dẫn đến biến dạng nghiêm trọng nếu như không được điều trị sớm.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ chính sự bất thường về cấu trúc cột sống. Kết quả chụp X-quang nghiêng cho thấy những đốt sống phát triển thành hình chêm, hình tam giác thay vì hình hộp hay hình chữ nhật như bình thường. Hình dạng này khiến cho không gian đĩa đệm bị thu hẹp, tạo ra độ cong quá mức của cột sống ngực.

3. Gù lưng bẩm sinh

Gù lưng bẩm sinh là sự khác biệt về hình dạng của một hoặc nhiều đốt sống của trẻ sơ sinh, có nguy cơ tiến triển nặng hơn khi trẻ lớn lên. Do đó, đối với tình trạng này, bác sĩ thường sẽ chỉ định phẫu thuật từ sớm để hạn chế sự biến dạng nghiêm trọng trong tương lai.

Nguyên nhân gù cột sống

Tình trạng gù cột sống có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

gu-lung-2

Tình trạng gù cột sống có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân

– Gãy xương: Các đốt sống bị gãy có thể dẫn tới hiện tượng cong vẹo cột sống. Hiện tượng này thường xảy ra ở xương yếu, không có triệu chứng rõ rệt.

– Loãng xương: Xương loãng dễ dẫn tới hiện tượng cong vẹo cột sống. Loãng xương phổ biến nhất ở phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh, người lớn tuổi và những người đã dùng corticosteroid trong một thời gian dài.

– Thoái hóa đĩa đệm: Theo thời gian, đĩa đệm sẽ có xu hướng xẹp xuống và co lại, làm nặng thêm gù lưng.

– Bệnh Scheuermann: Bệnh này thường bắt đầu trong giai đoạn trước tuổi dậy thì, là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng gù lưng. Các đốt sống phát triển thành hình chêm, hình tam giác thay vì hình hộp hay chữ nhật như bình thường, dẫn đến hiện tượng gù.

– Các vấn đề khác: Hội chứng Ehlers-Danlos, xương cột sống phát triển không bình thường từ trước khi sinh,…

– Tư thế sai: Thói quen cúi người, dựa lưng nhiều vào ghế, mang balo nặng, có thể kéo căng các dây chằng và cơ, làm tăng độ cong của cột sống.

Triệu chứng gù lưng thường gặp

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân của chứng gù lưng, triệu chứng biểu hiện ra sẽ khác nhau. Một số dấu hiệu của gù lưng điển hình gồm:

– Vùng lưng trên nhô cao một cách bất thường

– Đau lưng

– Mệt mỏi

– Cứng cột sống

– Các cơ mặt sau đùi căng cứng

Trong một số trường hợp, các triệu chứng theo thời gian tiến triển nặng hơn có thể dẫn đến:

– Yếu, tê, ngứa ran ở chân

– Mất cảm giác

– Thay đổi thói quen bàng quang hoặc đại tiện

– Khó thở

Gù lưng có ảnh hưởng gì không?

Gù lưng ở mức độ nghiêm trọng có thể dẫn tới một số biến chứng đáng lo ngại như sau:

– Hạn chế chức năng vật lý: Tình trạng này sẽ khiến cho cơ lưng yếu dần và khó thực hiện các động tác đơn giản như việc đứng dậy hay đi bộ. Ngoài ra, độ cong của cột sống cũng có nguy cơ khiến cho người bệnh khó nhìn lên trên, lái xe hoặc gây đau đớn lúc nằm xuống.

– Vấn đề về tiêu hóa: Gù cột sống mức độ nghiêm trọng có thể gây chèn ép đường tiêu hóa, dẫn tới nhiều vấn đề đáng lo ngại như trào ngược axit, khó nuốt,…

– Vấn đề cảm xúc: Bệnh nhân có cột sống bị gù thường sẽ có xu hướng tự ti bởi vóc dáng không như ý, đặc biệt là độ tuổi thanh thiếu niên.

Gù lưng có chữa được không?

Gù lưng có thể chữa khỏi được bằng nhiều phương pháp khác nhau. Mục tiêu chung là ngăn chặn sự phát triển phức tạp của đường cong và hiện tượng biến dạng. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng này, bác sĩ sẽ chỉ định các lựa chọn sau:

gu-lung-3

Gù lưng có thể chữa khỏi được bằng nhiều phương pháp khác nhau

– Dùng thuốc: Thuốc giảm đau (Ibuprofen, Acetaminophen, Naproxen Natri), thuốc điều trị loãng xương,…

– Vật lý trị liệu: Người bệnh có thể được chuyên gia chỉ định thực hiện các bài tập kéo giãn để cải thiện tính linh hoạt, tăng cường sức mạnh của cột sống và giảm đau lưng.

– Đeo nẹp: Phương pháp này thường sẽ được áp dụng cho tình trạng gù lưng trẻ em. Đeo nẹp cột sống khi xương của trẻ vẫn đang phát triển có thể ngăn chặn hiệu quả sự phát triển của gù cột sống.

– Phẫu thuật: Phương pháp này hiếm khi được áp dụng, chủ yếu thực hiện đối với tình trạng gù nặng gây chèn ép tủy sống hoặc rễ thần kinh. Các phẫu thuật viên sẽ sử dụng bắt vít qua cuống và đặt nẹp nắn chỉnh cột sống.

Bệnh gù ở cột sống vẫn có thể quay lại ngay cả khi đã điều trị. Do đó, bạn nên chủ động thực hiện các giải pháp chăm sóc và luyện tập theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để cột sống phát triển khỏe mạnh.

Cách phòng tránh gù cột sống

Gù lưng hoàn toàn có thể phòng tránh được ngay từ đầu bằng một số giải pháp hữu ích sau đây:

– Thực hành tư thế ngồi đúng: Luôn luôn ngồi thẳng lưng.

– Không mang đồ quá nặng ở trên lưng.

– Tập thể dục thường xuyên: Bảo vệ lưng chắc khỏe và linh hoạt. Một số hoạt động bổ ích có thể tham khảo như: bơi lội, đi bộ, chạy bộ, Pilates, yoga.

 

Gù lưng là một tình trạng có thể phòng ngừa và cải thiện nếu chúng ta nhận thức đúng đắn và thực hiện các biện pháp phù hợp. Việc hiểu rõ nguyên nhân và những ảnh hưởng tiêu cực của gù lưng không chỉ giúp chúng ta chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe mà còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ trong thói quen hàng ngày, duy trì tư thế đúng và thường xuyên vận động để giữ cho cột sống luôn khỏe mạnh và linh hoạt.

Tham khảo:

» Cổ rùa – Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết

» Cách để phát triển vòng 1

Đăng ký tập thử